Technical SEO là quá trình tối ưu hóa các yếu tố kỹ thuật và backend của cơ sở hạ tầng website để giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm, thu thập dữ liệu (crawl), hiểu, lập chỉ mục (index) và xếp hạng nội dung của bạn một cách hiệu quả trên SERPs.
Nếu được thực hiện đúng cách, SEO kỹ thuật có thể “tăng cường khả năng hiển thị của bạn trong kết quả tìm kiếm.”
Bài viết dưới đây tôi sẽ giới thiệu đến bạn 20+ tiêu chí tối ưu Technical SEO gồm: Tối ưu file Sitemap XML, Robot.txt, HTTPS, Canonical tags, Noindex tags, Crawl Budget, Website Structure, Page Speed, Core web Vistal, Schema,…. Mục tiêu là giúp bạn có kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về SEO kỹ thuật, đồng thời giúp bạn nắm rõ được các tiêu chí cần phải làm khi tối ưu Technical SEO chính website của mình.
Mục lục
Technical SEO là gì?
Technical SEO hay SEO kỹ thuật là quá trình tối ưu hóa các yếu tố kỹ thuật và phần backend của một website để giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm, thu thập dữ liệu (crawlability) và lập chỉ mục (indexability), từ đó cải thiện thứ hạng trên SERPS và trải nghiệm người dùng (UX).
Technical SEO bao gồm các yếu tố như tốc độ website, cấu trúc website, tính thân thiện với thiết bị di động, bảo mật và mã hóa website phù hợp để đảm bảo các bot của công cụ tìm kiếm có thể tìm thấy, hiểu và lưu trữ nội dung của bạn một cách hiệu quả.
Hiểu đơn giản thì Technical SEO là việc bạn làm cho các Bot của công cụ tìm kiếm dễ dàng đọc hiểu nội dung trên website của bạn nhanh nhất, tiết kiệm ngân sách Crawl nhất và người dùng khi vào website có được trải nghiệm tốt nhất.
Tại sao Technical SEO lại quan trọng trong SEO website?
Technical SEO là nền tảng trong SEO
Như đã nói ở trên, Technical SEO là việc bạn tối ưu các yếu tố kỹ thuật và back end của website. Nếu trang web của bạn không có nền tảng kỹ thuật vững chắc, công cụ tìm kiếm có thể sẽ bỏ qua toàn bộ nội dung trên website của bạn, bất kể nội dung đó có giá trị đến đâu. Vì vậy Technical SEO được coi là “nền tảng của sự tăng trưởng SEO bền vững”.
Cải thiện khả năng thu thập dữ liệu (Crawlability) và lập chỉ mục (Indexability)
Crawlability hay Khả năng thu thập dữ liệu là mức độ dễ dàng để các trình thu thập dữ liệu web (như Googlebot) tìm thấy các trang trên trang web của bạn. Nếu Google không thể đọc hiểu và thu thập dữ liệu nội dung của bạn, thì website của bạn sẽ không thể ranking trên SERP.
Invisibility hay Khả năng lập chỉ mục là khả năng trang của bạn được thiết lập để được lập chỉ mục trong công cụ tìm kiếm. Một trang có thể được Bot thu thập dữ liệu nhưng chưa chắc được lập chỉ mục.
Và Technical SEO sẽ đảm bảo rằng Googlebot có thể truy cập các trang của trên website thông qua các Internal Link và Sitemap trên website.
Ngoài ra, việc sử dụng file robots.txt cũng cho phép bạn xây dựng các quy tắc hướng dẫn công cụ tìm kiếm trang nào được hoặc không được thu thập dữ liệu.
Còn tối ưu sơ đồ trang web XML hay Sitemap sẽ giúp Google dễ dàng khám phá và lập chỉ mục nội dung của bạn, đặc biệt quan trọng đối với các website lớn hoặc có cấu trúc website chưa tốt.
Cải thiện trải nghiệm người dùng (UX)
Đối với trải nghiệm người dùng hay User Experience (UX) thì chúng ta có 4 yếu tố technical chính là: Tốc độ website, Mobile-friendliness, HTTPS và Core Web Vitals.
- Google sử dụng tốc độ trang hay Pagespeed làm yếu tố xếp hạng. Trang tải chậm sẽ làm người dùng khó chịu, dẫn đến tỷ lệ thoát cao và ảnh hưởng tiêu cực đến thứ hạng.
- Theo 1 nghiên cứu của Statista, hơn 61,85% tổng Traffic vào website đến từ thiết bị di động, và Google ưu tiên phiên bản di động của trang để lập chỉ mục (mobile-first indexing).
- HTTPS cũng là một yêu cầu bắt buộc và là một yếu tố xếp hạng của Google. HTTPS sẽ mã hóa dữ liệu giữa trình duyệt và máy chủ, bảo vệ thông tin người dùng. Người dùng thấy web có HTTPS cũng sẽ thấy uy tín hơn so với 1 website chỉ có HTTP.
- Core Web Vitals là một tập hợp các chỉ số hiệu suất đo lường trải nghiệm người dùng, bao gồm Largest Contentful Paint (LCP), Interaction to Next Paint (INP – thay thế FID), và Cumulative Layout Shift (CLS). Các chỉ số Core Web Vitals cũng là 1 trong các yếu tố xếp hạng của Google.
Vì vậy, việc tối ưu các yếu tố SEO kĩ thuật ở trên sẽ giúp website của bạn mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng khi vào web, từ đó tăng Time on Site, giảm Bounce Rate và cải thiện thứ hạng trên SERPs.
Ngăn chặn các vấn đề kỹ thuật phổ biến
Technical SEO giúp bạn xác định và xử lý nội dung trùng lặp hay Duplicate Content. Tình trạng Duplicate Content sẽ làm loãng tín hiệu xếp hạng và gây nhầm lẫn cho công cụ tìm kiếm. Và thẻ Canonical (rel=”canonical”) được sử dụng để chỉ định phiên bản chính của nội dung trùng lặp và tránh Duplicate Content
Broken Links là các trang có mã thông báo 404. Việc sửa chữa các liên kết nội bộ bị hỏng (404 errors) trong Technical SEO sẽ cải thiện trải nghiệm người dùng và giúp công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu của website thông qua Internal Link được hiệu quả hơn.
Làm Technical SEO còn giúp bạn quản lý và giảm thiểu các chuỗi chuyển hướng Redirect Chains (ví dụ: 301, 302), giúp bảo toàn giá trị liên kết.
Tầm quan trọng với AI và dữ liệu có cấu trúc (Structured Data)
Đặc biệt, với vai trò ngày càng tăng của AI trong tìm kiếm, tối ưu Technical SEO tốt còn giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng tiếp nhận và hiểu nội dung của bạn được tốt hơn.
Triển khai dữ liệu có cấu trúc hay Schema Markup sẽ giúp Google hiểu rõ hơn về nội dung trang của bạn, điều này có thể dẫn đến việc hiển thị các đoạn trích nổi bật (rich snippets) trong kết quả tìm kiếm, làm tăng tỷ lệ nhấp (CTR).
Ngoài ra, theo Search Engine Land, các AI cần Schema để hiểu ngữ cảnh và ý nghĩa nội dung, từ đó tăng khả năng ranking trong các model AI hiện nay như AI Overview, ChatGPT, Perplexity,….
3 yếu tố cơ bản cấu thành nên một Website
Trước khi hiểu cách để tối ưu website, bạn cần phải hiểu 1 chút về 3 yếu tố cơ bản tạo nên 1 website, thì bạn mới có được các ý tưởng tối ưu các yếu tố kỹ thuật.
3 yếu tố cơ bản cấu thành nên một Website gồm HTML, CSS và JavaScript.
HTML (Hypertext Markup Language)
HTML là viết tắt của Hypertext Markup Language, là cấu trúc và nội dung cơ bản của trang. Các phần tử như tiêu đề (headings), đoạn văn (paragraphs), danh sách (lists) và nội dung chính đều được định nghĩa trong HTML.
HTML giúp các trình duyệt và công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu văn bản hơn bằng cách tạo ngữ cảnh xung quanh nội dung. Ví dụ, nó cho biết liệu một đoạn văn bản là tiêu đề, tiêu đề phụ, hoặc một đoạn nội dung quan trọng.
Google thu thập dữ liệu các phần tử HTML để xác định mức độ liên quan của tài liệu của bạn với một truy vấn cụ thể. Điều này có nghĩa là những gì có trong HTML của bạn đóng một vai trò rất lớn trong cách trang web của bạn xếp hạng trên SERPs.
CSS (Cascading Style Sheets)
CSS là viết tắt của Cascading Style Sheets, yếu tố quyết định cách một trang web trông như thế nào, tức là kiểu dáng và giao diện trực quan của web. CSS cho phép định dạng các phông chữ, màu sắc, bố cục, vị trí các phần tử và cách các phần tử HTML được hiển thị hoặc thậm chí hoạt ảnh trên màn hình.
Tầm quan trọng đối với SEO:
- Thứ 1: Các code giao diện hiển thị thường sẽ nằm trong các tệp CSS thay vì trong HTML của trang, giúp trang ít nặng mã hơn, giảm kích thước tệp và làm cho thời gian tải nhanh hơn. Ngoài ra, việc nén các tệp CSS cũng sẽ giúp trang web tải nhanh hơn.
- Thứ 2: Công cụ tìm kiếm cũng cần truy cập các tệp CSS để xác định xem trang web của bạn có hoạt động đúng cách không.
Vậy nên tối ưu CSS chuẩn cũng là 1 phương pháp tối ưu Technical SEO.
JavaScript (JS)
JavaScript là một loại ngôn ngữ lập trình quyết định cách các phần tử trên trang web hoạt động khi người dùng tương tác với chúng. Ví dụ, khi bạn nhấp vào một nút “Xem thêm” trên website, JavaScript sẽ được sử dụng để khởi tạo một hành động là sổ ra nội dung mở rộng để bạn đọc được toàn bộ nội dung.
JavaScript đã mở ra nhiều cơ hội cho việc tạo các trang web không tĩnh, làm cho chúng trở nên động và tương tác. Nó có thể tạo một cửa sổ bật lên (pop-up) hoặc yêu cầu tài nguyên từ bên thứ ba như quảng cáo để hiển thị trên trang.
Các công cụ tìm kiếm ngày nay, bao gồm Google, phải xử lý mã JavaScript trước khi có thể lập chỉ mục một trang web. Nếu JavaScript không được triển khai đúng cách, Google sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu, kết xuất (render) và lập chỉ mục đầy đủ các trang web của bạn, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng tìm kiếm.
Ngoài ra, Googlebot làm việc với tài nguyên hạn chế và thời gian chờ nghiêm ngặt, điều này có thể tạo ra khoảng cách giữa những gì người dùng thấy và những gì công cụ tìm kiếm lập chỉ mục.
Các vấn đề tiềm ẩn của JS trên website:
- Googlebot có thể bỏ lỡ một số yếu tố chỉ có sẵn sau khi JavaScript được thực thi nếu nó không chờ đợi hoặc gặp lỗi.
- Các tài nguyên JavaScript bị chặn (ví dụ: bởi robots.txt) có thể ngăn Google kết xuất trang của bạn như một người dùng bình thường.
- Máy chủ không thể xử lý tất cả các yêu cầu để thu thập dữ liệu nội dung của bạn.
- JavaScript quá phức tạp hoặc lỗi thời để Googlebot hiểu.
- JavaScript không tải nội dung tải chậm (lazy load) vào trang cho đến khi trình thu thập dữ liệu đã xử lý trang và chuyển đi.
- Các lỗi thời gian chờ (timeout errors) có thể xảy ra nếu JS trên trang mất quá nhiều thời gian để kết xuất.
Mẹo kiểm tra JS và khắc phục: Bạn có thể sử dụng công cụ URL Inspection trong Google Search Console để xem Googlebot kết xuất trang của bạn như thế nào. Công cụ này cho phép bạn so sánh những gì Googlebot thấy với những gì người dùng nhìn thấy. Việc khắc phục các vấn đề liên quan đến JavaScript có thể bao gồm chuyển sang kết xuất phía máy chủ (Server-Side Rendering – SSR) hoặc kết xuất động (dynamic rendering) để đảm bảo công cụ tìm kiếm có thể diễn giải đúng các phần tử trang được kết xuất bằng JavaScript.
Hệ thống phân cấp Technical SEO trong SEO
Theo bài viết The technical SEO hierarchy of needs, trong SEO kỹ thuật sẽ được phân thành 5 cấp độ gồm: Crawlability, Indexability, Accessibility, Rankability và Clickability.
Note: Trong phần này tôi sẽ chỉ giới thiệu qua các công việc cần thiết nhất để giúp tối ưu cho từng cấp độ. Cách tối ưu chi tiết hơn thì tôi sẽ nói ở phần sau nhé!
Crawlability (Khả năng thu thập dữ liệu)
Crawlability hay Khả năng thu thập dữ liệu là mức độ dễ dàng để các công cụ tìm kiếm khám phá các trang trên trang web của bạn. Đây là yếu tố quan trọng số một vì nếu các công cụ tìm kiếm không thể tìm thấy website của bạn hoặc các trang mới bạn tạo, thì chúng sẽ không biết trang đó tồn tại.
Bên cạnh đó, các công cụ tìm kiếm như Google sử dụng các bot để “đọc” và “khám phá” nội dung trên internet thông qua các liên kết. Nếu trang của bạn bị chặn hoặc khó truy cập, bot sẽ không thể thu thập dữ liệu, dẫn đến việc trang của bạn không thể được lập chỉ mục hoặc xếp hạng.
Để tối ưu được Crawlability, bạn sẽ cần phải tối ưu những tiêu chí Technical sau đây:
- Triển khai Internal Link cho toàn website nhằm tạo thành những cầu nối để các Bot khám phá được toàn bộ nội dung trên toàn bộ website của bạn.
- Tạo và gửi Sitemap đến Google thông qua Google Seach Console (GSC) hoặc với Bing là Bing Webmaster Tool (BWT). Các CMS như WordPress, Wix, Squarespace, hoặc Shopify thường tự động tạo XML sitemap. Bạn chỉ cần lấy đường link sitemap này đến GSC hay BWT là được. Lưu ý là không khai báo các link bị lỗi 404 hay 301 trong sitemap.
- Taọ, quản lý và gửi File Robot.txt đến GSC hoặc BWT. Ở File này bạn sẽ khai báo Sitemap, sử dụng lệnh Allow và Disallow để lập quy tắc crawl cho Google Bot
- Tối ưu hóa ngân sách thu thập dữ liệu (Crawl Budget) của Google Bot bằng cách loại bỏ hoặc canonicalize các trang trùng lặp, sửa các liên kết bị hỏng, và chặn các trang không quan trọng bằng robots.txt.
Phân tích tệp nhật ký máy chủ (Server Log File Analysis) để kiểm tra hành vi của các bot và xác định các vấn đề về thu thập dữ liệu.
Indexability (Khả năng lập chỉ mục)
Indexability hay Khả năng lập chỉ mục là mức độ tối ưu của các website để được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu (chỉ mục) của công cụ tìm kiếm. Một trang có thể thu thập dữ liệu nhưng không chắc là sẽ được lập chỉ mục, có nghĩa là Google thấy website đó nhưng Google lại quyết định không lưu trữ vào chỉ mục tìm kiếm.
Nếu website của bạn không xuất hiện trong chỉ mục của Google, thì Google không thể xếp hạng chúng cho các truy vấn tìm kiếm liên quan và hiển thị chúng cho người dùng.
Để website của bạn được lập chỉ mục, bạn cần phải làm những đầu việc chính sau:
- Kết nối website với Google Search Console và khai báo file sitemap XML và file Robot.txt
- Sử dụng thẻ canonical tag (rel=”canonical”) để chỉ định phiên bản chính (master copy) của các trang có nội dung trùng lặp hoặc rất giống nhau. Nếu không bạn sẽ bị Google đánh giá là “Duplicate, Google chose different canonical than user” trong GSC và trang đó không được lập chỉ mục.
- Sử dụng Noindex Tag. Đây là đoạn mã HTML có dạng <meta name=”robots” content=”noindex”> được đặt trong phần <head> của trang để ngăn công cụ tìm kiếm lập chỉ mục trang mà bạn không muốn lập chỉ mục như trang thanh toán, add to cart,…
- Kiểm soát các mã trạng thái HTTP (HTTP Status Codes) như 200, 301, 302, 404, 500, 5xx,….
- Đảm bảo lập chỉ mục ưu tiên thiết bị di động (Mobile-First Indexing) hơn các thiết bị khác.
Accessibility (Khả năng truy cập / Kết xuất dữ liệu)
Accessibility hay Khả năng truy cập hoặc Kết xuất dữ liệu là mức độ tối ưu hóa website cho trải nghiệm người dùng (UX) và khả năng tương tác, điều hướng dễ dàng trên từng trang.
Đồng thời, Accessibility cũng đề cập đến cách các công cụ tìm kiếm “kết xuất” (render) trang của bạn – tức là cách chúng thấy trang web của bạn sau khi tất cả các yếu tố (HTML, CSS, JavaScript) được tải và thực thi.
=> Important: Theo Hubspot, Ba yếu tố đầu tiên (Crawlability, Indexability, Accessibility/Rendering) là nền tảng cốt lõi quyết định sự thành công trong khả năng hiển thị của bạn trên công cụ tìm kiếm.
Các website có UX và khả năng truy cập tốt hơn thường được Google đánh giá cao hơn, điều này có thể dẫn đến hiệu suất tìm kiếm tốt hơn, mức độ tương tác cao hơn và tỷ lệ thoát thấp hơn.
Googlebot ngày càng có khả năng kết xuất trang web giống như trình duyệt của người dùng, nhưng nếu có vấn đề về kết xuất (đặc biệt với JavaScript), Google có thể bỏ lỡ nội dung quan trọng.
Để tối ưu tốt Accessibility, bạn cần phải:
- Tối ưu thật tốt Tốc độ tải trang (Page Speed) và Core Web Vitals vì tốc độ tải trang là yếu tố xếp hạng quan trọng cho cả tìm kiếm trên máy tính và di động. Google sử dụng Core Web Vitals (CWV) để đo lường trải nghiệm người dùng dựa trên tốc độ tải, khả năng phản hồi và sự ổn định hình ảnh.
- Đảm bảo website phải có có SSL Certificate để triển khai HTTPS, sau đó chuyển hướng tất cả các trang HTTP sang HTTPS.
- Tối ưu hóa di động (Mobile Optimization) bằng cách thiết kế website đáp ứng (Responsive Web Design – RWD), Mobile Usability trong Google Search Console và tránh các op-up gây phiền toái cho người dùng và Google khi trải nghiệm website.
- Tối ưu các trang trên website có sử dụng nhiều JavaScript để công cụ tìm kiếm có thể thu thập dữ liệu, kết xuất và lập chỉ mục hiệu quả.
Rankability (Khả năng xếp hạng)
Bankability hay Khả năng xếp hạng là khả năng của một trang được tối ưu hóa để xếp hạng cao trong các công cụ tìm kiếm. Rankability liên quan đến tối ưu hóa nội dung, độ uy tín và sự đáng tin cậy của website.
Ngay cả khi website của bạn có nội dung và backlink tuyệt vời, nhưng nếu Technical SEO bị lỗi, bạn cũng sẽ không thể xếp hạng tốt. Chính vì vậy mà Technical SEO sẽ đặt nền móng cho khả năng xếp hạng của toàn website.
Để tối ưu tốt Rankability tốt nhất, bạn cần phải:
- Tối ưu cấu trúc Website (Site Structure) để các trang trên website được liên kết với nhau chặt chẽ nhất.
- Tối ưu cấu trúc URL (URL Structure) ngắn gọn và có sự phân tầng.
- Sử dụng và khai báo dữ liệu có cấu trúc (Structured Data / Schema Markup) để Google hiểu nội dung của bạn và tăng khả năng xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm nâng cao (Rich Snippets).
Backlink tuy không nằm trong Technical SEO nhưng đây cũng là 1 tín hiệu giúp tối ưu Rankability tốt hơn. (Bổ sung content, và onpage)
Clickability (Khả năng nhấp chuột)
Clickability hay Khả năng nhấp chuột là mức độ hấp dẫn của nội dung để thu hút người dùng đến trang web và duy trì tương tác (tỷ lệ thoát, thời gian trên trang).
Các kết quả tìm kiếm nổi bật và hấp dẫn có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ nhấp chuột (CTR), từ đó dẫn đến nhiều lưu lượng truy cập hơn và khả năng chuyển đổi cao hơn.
Tối ưu Clickability liên quan nhiều hơn về Content SEO, nhưng bạn cũng có thể tối ưu 1 số tiêu chí Technical SEO như sau:
- Triển khai schema markup chuẩn Google có thể giúp trang của bạn xuất hiện dưới dạng rich snippets trong SERP, làm cho chúng nổi bật hơn so với các kết quả thông thường, và tăng CTR. Ví dụ như hiển thị xếp hạng sao, hình ảnh, thông tin giá sản phẩm, hoặc các câu hỏi thường gặp có thể mở rộng.
- Tối ưu Featured Snippets. Đây là hộp trả lời ngắn gọn, trực tiếp cho truy vấn tìm kiếm, xuất hiện ở đầu SERP. Google cung cấp featured snippets khi họ tin rằng trang của bạn cung cấp câu trả lời tốt nhất cho truy vấn của người dùng. Bạn có thể tối ưu được phần này bằng cách sử dụng Blockqoute để nhấn mạnh hoặc khai báo schema FAQ để Google chọn lọc nội dung của bạn được tốt hơn.
- Tối ưu hiển thị tại Google Discover bằng cách sử dụng hình ảnh lớn (ít nhất 1200px rộng) và thẻ <meta name=”robots” content=”max-image-preview:large”> trong Header.
- Sử dụng và khai báo Breadcrumb theo cấu trúc phân tầng.
20+ yếu tố Technical SEO chính ảnh hưởng trực tiếp tới SEO website.
1. XML Sitemaps (Sơ đồ trang web XML)
XML Sitemap hay Sơ đồ trang web XML là một tập tin liệt kê tất cả các URL quan trọng trên website của bạn. Nó giống như một “bản đồ đường đi”, giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng khám phá và lập chỉ mục nội dung, đặc biệt là đối với các website lớn, phức tạp hoặc có nội dung không được liên kết tốt.
Cách sử dụng và tối ưu XML Sitemap:
Các hệ thống quản lý nội dung (CMS) phổ biến như WordPress, Wix, Squarespace, hoặc Shopify thường tự động tạo và cập nhật sitemap cho bạn. Bạn có thể tìm thấy nó bằng cách gõ yourdomain.com/sitemap.xml hoặc yourdomain.com/sitemap_index.xml vào thanh tìm kiếm là ra.
Nếu CMS của bạn không tự động tạo XML Sitemap thì bạn có thể sử dụng các công cụ tạo sitemap như XML-Sitemaps.com cho website của mình.
Còn nếu website của bạn là web code tay thì bạn bắt buộc phải tạo bạn phải tạo và khai báo XML Sitemap thủ công.
Sau khi có file sitemap thì bạn gửi lên Google Search Console (GSC) để thông báo cho Google về các trang của bạn. Bạn cũng phải đặt URL sitemap của mình trong file robots.txt để công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm thấy hơn.
Lưu ý nhỏ là bạn chỉ được liệt kê các trang có thể lập chỉ mục (indexable) và không có lỗi 404 hoặc chuyển hướng 301 trong sitemap của bạn. Một sitemap không nên vượt quá 50MB hoặc 50.000 URL.
Ngoài ra, bạn cũng nên tạo thêm các File Sitemap cho hình ảnh, video để Google Crawl tốt hơn các tài nguyên này trên website của bạn.
File Sitemap của 1 website chuyên về dịch vụ và Blog bình thường sẽ có các file sitemap con cơ bản như sau:
- yourdomain.com/sitemap_index.xml
- yourdomain.com/post-sitemap1.xml
- yourdomain.com/page-sitemap.xml
- yourdomain.com/category-sitemap.xml
File Sitemap của 1 website thương mại điện tử sẽ có các file sitemap con cơ bản như sau:
- yourdomain.com/post-sitemap.xml
- yourdomain.com/page-sitemap.xml
- yourdomain.com/product-sitemap.xml
- yourdomain.com/category-sitemap.xml
- yourdomain.com/product_cat-sitemap.xml
Nếu có sitemap cho hình ảnh và video thì sẽ là:
- yourdomain.com/video-sitemap.xml
- yourdomain.com/image-sitemap.xml
2. Robots.txt File
File Robots.txt là một tập tin hướng dẫn các trình thu thập dữ liệu (bot) của công cụ tìm kiếm (như Googlebot) về những trang hoặc file chúng được hoặc không được truy cập trên website của bạn. Mục đích chính là quản lý ngân sách thu thập dữ liệu, hướng bot tập trung vào nội dung có giá trị trên website của bạn.
Cách ứng dụng File Robots.txt:
File robots.txt nên được đặt trong thư mục gốc của domain (ví dụ: yourdomain.com/robots.txt).
Sử dụng lệnh Allow để khai báo những nơi mà các Bot được phép crawl vào.
Sử dụng lệnh Disallow để chặn bot truy cập vào các phần không quan trọng hoặc không muốn xuất hiện trên kết quả tìm kiếm công khai (ví dụ: trang quản trị, trang đăng nhập, các thư mục chứa tài nguyên ít quan trọng).
Ví dụ 1 file File Robots.txt cơ bản:
User-agent:
Disallow: /wp-admin/
Allow: /wp-admin/admin-ajax.php
Disallow: /?s=
Disallow: /search/
Disallow: /cart
Disallow: /wp-admin/
Disallow: /tag/
Sitemap: https://domain.com/sitemap_index.xml
Lưu ý: robots.txt không nên được dùng để ẩn các trang nhạy cảm vì nó không ngăn người dùng truy cập trực tiếp nếu họ biết URL.
Sau khi đã thiết lập các quy tắc Allow và Disallow thì bạn hãy kiểm tra trạng thái robots.txt của bạn bằng Google Search Console để đảm bảo không có quy tắc nào vô tình chặn các trang quan trọng.
3. Canonical Tags (Thẻ Canonical)
Khi có nhiều URL chứa nội dung giống hệt hoặc rất giống nhau (duplicate content), ví dụ như 1 trang sản phẩm Iphone 16 có các biến thể màu vàng, màu tím, màu bạch kim,…. thì thẻ canonical (rel=”canonical”) sẽ giúp bạn chỉ định phiên bản chính mà bạn muốn Google lập chỉ mục và xếp hạng. Điều này ngăn ngừa việc tín hiệu xếp hạng bị phân tán giữa các trang trùng lặp, dẫn đến tình trạng ăn thịt từ khóa.
Ví dụ về cách sử dụng Canonical Tags:
Giả sử bạn có các trang:
- https://example.com/piano/
- https://example.com/piano/page/2
- https://example.com/piano/page/3
- https://example.com/piano/page/4
- …..
Lúc này bạn cần sử dụng Canonical Tags ở <head> các page 2, 3, 4,…. Để khai báo rằng trang https://example.com/piano/ mới là trang chính, còn những trang 2, 3, 4,… chỉ là những trang lặp lại nội dung nên không cần lập chỉ mục.
Hoặc
Nếu bạn có hai trang với nội dung tương tự nhau, ví dụ: yourdomain.com/mau-do-chinh và yourdomain.com/mau-do-khuyen-mai, bạn sẽ đặt thẻ canonical trên trang khuyến mãi để chỉ vào trang chính: <link rel=”canonical” href=”https://yourdomain.com/mau-do-chinh/” />
Cách ứng dụng:
- Luôn sử dụng URL tuyệt đối (absolute URLs), chữ thường, và phiên bản HTTPS trong thẻ canonical. Ví dụ: https://example.com/master-page/ chứ không phải /master-page/ hoặc https://example.com/Master-page/
- Đảm bảo URL trong thẻ canonical sử dụng chữ thường và phiên bản HTTPS nếu website của bạn dùng HTTPS.
- Không nên có nhiều thẻ canonical trên một trang, Google sẽ bỏ qua tất cả nếu phát hiện điều này.
- Các trang được canonical hóa (trang gốc) không được bị chặn bởi robots.txt hoặc thẻ noindex.
- Thẻ canonical nên được đặt trong phần <head> của trang hoặc trong HTTP header.
- Kiểm tra lại việc triển khai canonical sau các bản cập nhật CMS hoặc di chuyển website.
Lưu ý: Thông thường nếu bạn sử dụng các Plugin SEO như RankMath hoặc Yoast SEO thì đã được mặc định là canonical về trang gốc rồi nên bạn cũng không phải làm gì thêm.
4. Noindex Tag
Noindex Tag là một đoạn mã HTML (<meta name=”robots” content=”noindex”>) được đặt trong phần <head> của trang để ngăn công cụ tìm kiếm lập chỉ mục trang đó, tức là không cho nó xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
Bạn nên sử dụng thẻ này cho các trang không muốn xuất hiện công khai trên kết quả tìm kiếm, chẳng hạn như trang “cảm ơn” sau khi khách hàng mua hàng, trang đăng nhập, hoặc các trang đích của quảng cáo trả tiền (PPC landing pages) mà bạn không muốn chúng xuất hiện trong tìm kiếm tự nhiên
Ngoài ra, các trang danh mục và thẻ (tag pages) trong WordPress cũng thường được khuyến nghị noindex nếu chúng không cung cấp giá trị độc đáo, để tránh nội dung trùng lặp không cần thiết
Không dùng noindex thay thế cho thẻ canonical khi xử lý nội dung trùng lặp. Mục đích của hai thẻ này là khác nhau.
Bạn có thể xem qua video hướng dẫn cách sử dụng thẻ Noindex tại video của HikeSEO tại phút 33:23 dưới đây:
5. HTTP Status Codes (Mã trạng thái HTTP)
HTTP Status Codes hay Mã trạng thái HTTP là các mã phản hồi mà máy chủ web gửi về trình duyệt và công cụ tìm kiếm để cho biết trạng thái của một trang web (ví dụ: trang có sẵn, đã chuyển đi, hoặc có lỗi).
Dưới đây là 1 số HTTP Status Codes phổ biến nhất trong SEO kỹ thuật mà bạn cần biết:
200 OK: Trang tải bình thường và có thể lập chỉ mục. Đây là mã bạn mong muốn cho các trang quan trọng.
301 Moved Permanently: Dùng để chuyển hướng vĩnh viễn một URL sang một vị trí mới. Nó chuyển phần lớn giá trị xếp hạng (PageRank) từ URL cũ sang URL mới.
301 sử dụng khi thay đổi URL của một trang, di chuyển toàn bộ website sang domain mới, hoặc chuyển từ HTTP sang HTTPS.
Một lưu ý với chuyển hướng 301 là phải tránh chuỗi chuyển hướng (redirect chains). Đây là khi một trang được chuyển hướng đến một trang khác, rồi trang đó lại tiếp tục chuyển hướng đến một trang thứ ba, v.v.. Chuỗi chuyển hướng làm giảm tốc độ tải trang, tăng tải máy chủ, giảm trải nghiệm người dùng và làm loãng PageRank. Cố gắng tạo các chuyển hướng trực tiếp nhất có thể (ví dụ: A -> C thay vì A -> B -> C).
302 Found (Temporary Redirect): Chuyển hướng tạm thời. Nó không chuyển PageRank và công cụ tìm kiếm sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu trang gốc. Chỉ nên sử dụng cho các trường hợp chuyển hướng có tính chất tạm thời.
404 Not Found: Trang không tồn tại. Gây trải nghiệm người dùng kém và lãng phí giá trị liên kết nếu có backlink trỏ đến.
Bạn nên tạo một trang 404 tùy chỉnh thân thiện với người dùng, có chức năng tìm kiếm hoặc liên kết đến các nội dung liên quan để giữ chân người dùng. Đồng thời kiểm tra và sửa các liên kết nội bộ bị hỏng (broken links) trên website của bạn bằng Tool Screaming Frog.
Soft 404s: Trang hiển thị thông báo “không tìm thấy” nhưng lại trả về mã 200 OK (thành công) cho công cụ tìm kiếm. Điều này gây lãng phí ngân sách thu thập dữ liệu vì Google nghĩ đó là một trang hợp lệ. Bạn cần phải khắc phục Status này để trả về mã 404 hoặc 410 thực sự.
5xx Server Errors (Lỗi máy chủ): Các lỗi như 500, 502, 503, 504 cho biết máy chủ gặp vấn đề, ngăn công cụ tìm kiếm truy cập và lập chỉ mục trang web. Cần được xử lý ngay lập tức với sự hỗ trợ của nhà phát triển.
6. Crawl Budget (Ngân sách thu thập dữ liệu)
Crawl Budget là số lượng trang mà công cụ tìm kiếm sẵn sàng và có thể thu thập dữ liệu trên website của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Googlebot có nguồn lực hạn chế, và bạn muốn đảm bảo nó dành thời gian quý báu để thu thập dữ liệu các trang quan trọng nhất của bạn.
Để tối ưu hóa ngân sách thu thập dữ liệu, bạn hãy cân nhắc loại bỏ hoặc canonicalize các trang trùng lặp, sửa các liên kết hỏng, và chặn các trang không quan trọng bằng robots.txt hoặc thẻ noindex để đảm bảo Googlebot tập trung vào các trang có giá trị nhất.
Đối với các website lớn, bạn hãy sử dụng sitemap segmentation (phân đoạn sitemap) để giúp các Bot dễ Crawl hơn.
Bạn cũng hãy dành thời gian để kiểm tra log file máy chủ xem các trang đang bị bot thu thập dữ liệu quá mức mà không cần thiết, giúp bạn điều chỉnh chiến lược tối ưu hóa ngân sách thu thập dữ liệu tốt hơn.
Theo Google, nếu bạn thuộc 3 trường hợp dưới đây thì bắt buộc bạn cần phải tối ưu và quản lý Crawl Budget:
- 1 website lớn có trên 1 triệu URL có nội dung thay đổi định kì khoảng 1 lần 1 tuần
- 1 website trung bình có hơn 10 nghìn URL nhưng có nội dung được cập nhật thường xuyên, hàng ngày
- Website có phần lớn URL bị cảnh báo là “Crawled – currently not indexed” trong GSC
Lưu ý: Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là các website nhỏ thì không cần tối ưu Crawl Budget nhé. Có tối ưu vẫn hơn là không tối ưu.
7. Website Structure (Cấu trúc Website)
Website Structure là cách các website được tổ chức và liên kết với nhau. Một website có cấu trúc rõ ràng, phân cấp giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm và lập chỉ mục tất cả các trang, phân phối link equity một cách hiệu quả và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Để tối ưu tốt nhất Cấu trúc Website của mình, thì tôi khuyên bạn nên sử dụng cấu trúc phân tầng nội dung (kết hợp giữa cấu trúc Silo và Topic Cluster). Bạn hãy đọc qua các bài viết này của tôi để hiểu rõ hơn về cách làm nhé.
Hiểu đơn giản thì cấu trúc phân tầng nội dung là việc bạn tổ chức thông tin thành các thư mục theo chủ đề hoặc danh mục. Mỗi silo thường đại diện cho một chủ đề chính và thông tin bên trong silo đó không kết nối với thông tin từ các silo khác. Việc phân tầng nội dung thành các cụm có cùng 1 chủ đề với nhau sẽ giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa các nội dung trong cùng 1 chủ đề, giúp ranking được tốt hơn.
Một lưu ý quan trọng khi triển khai cấu trúc Silo là bạn cần phải tránh các trang “mồ côi” (orphan pages). Đây là các trang không có bất kỳ liên kết nội bộ nào trỏ đến. Công cụ tìm kiếm sẽ khó phát hiện và lập chỉ mục chúng. Bạn có thể sử dụng công cụ Link Whisper hoặc Rankmath Pro để xem các trang nào không có link trỏ đến và tối ưu lại chúng.
Sử dụng các công cụ trực quan hóa kiến trúc website như Miro mind mapping, Canva, hoặc Google Sheets để có cái nhìn tổng quan về cấu trúc nội dung và tránh keyword cannibalization.
8. URL Structure (Cấu trúc URL)
URL Structure hay cấu trúc URL là cách bạn tổ chức URL cho các trang bên trong web của mình. Một cấu trúc URL được tối ưu hóa giúp Google dễ dàng thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang web, đồng thời thân thiện hơn với người dùng.
Cấu trúc URL nên ngắn gọn, mang tính mô tả, chứa từ khóa chính và phản ánh cấu trúc phân cấp của website. Ví dụ: example.com/seo/technical-seo sẽ tốt hơn example.com/page-671
Sử dụng dấu gạch ngang (-) để phân tách từ (thay vì dấu gạch dưới _) và sử dụng chữ thường. Ví dụ: nên dùng cach-cham-soc-cho chứ không nên dùng Cach_Cham_Soc_Cho
Loại bỏ các ký tự hoặc từ không cần thiết (filler words).
9. Breadcrumbs
Breadcrumbs là một chuỗi các liên kết điều hướng có cấu trúc, thường nằm gần đầu trang, giúp người dùng hiểu vị trí của họ trong cấu trúc phân cấp của trang và dễ dàng quay lại các trang trước. Breadcrumbs cũng giúp công cụ tìm kiếm điều hướng trang web và cải thiện khả năng thu thập dữ liệu
Ví dụ: Bạn thường thấy chúng trên các website thương mại điện tử hoặc blog, ví dụ: Trang chủ > Danh mục Sản phẩm > Tên Sản phẩm hoặc Trang chủ > Blog > Danh mục Blog > Tiêu đề Bài viết.
Sau đó thì bạn có thể sử dụng Schema BreadcrumbList để giúp công cụ tìm kiếm hiểu cấu trúc trang tốt hơn và hiển thị chúng trong kết quả tìm kiếm.
Nếu bạn sử dụng RankMath thì bạn có thể cấu hình trực tiếp trong phần setting của rankmath.
Nếu không sử dụng rankmath thì bạn có thể sử dụng các các plugin chuyên dụng như Breadcrumb NavXT để dễ dàng thêm breadcrumbs cho website của mình.
10. Internal Linking (Liên kết nội bộ)
Internal Link hay liên kết nội bộ là các liên kết giữa các trang trên cùng một website của bạn. Chúng cho phép các trình thu thập dữ liệu web khám phá các trang mới, xây dựng bản đồ mối quan hệ giữa các chủ đề trang, và quan trọng nhất là phân phối giá trị liên kết (link equity) và PageRank giữa các trang liên quan, giúp cải thiện thứ hạng tổng thể.
Note: Về bản chất thì Internal Link được coi là 1 phần của On-page SEO nhưng vì Internal Linking cũng cần phải tuân thủ một vài tiêu chí technical SEO để tăng cường khả năng Crawlability nên ở đây tôi cũng nhắc lại.
Tiêu chí cơ bản về Internal Link:
- Mục tiêu tối thiểu 2-3 liên kết nội bộ mỗi trang. Đối với các trang dài, bạn có thể thêm nhiều hơn.
- Sử dụng anchor text (văn bản neo) mô tả và liên quan để giúp Google hiểu nội dung của trang được liên kết.
- Ưu tiên sửa các liên kết nội bộ bị hỏng (broken internal links) vì chúng có thể làm giảm khả năng Googlebot tìm và thu thập dữ liệu các trang của bạn.
11. Pagination (Phân trang)
Pagination là kỹ thuật điều hướng chia một danh sách nội dung dài (ví dụ: bài viết blog, sản phẩm) thành nhiều trang riêng biệt.
Mặc dù Google hiện đã không còn sử dụng rel=”next” và rel=”prev” để lập chỉ mục theo lô như trước, nhưng việc cung cấp các liên kết rõ ràng đến trang trước và trang tiếp theo vẫn giúp Google khám phá nội dung được tốt hơn, cải thiện khả năng Crawlability hơn.
Phân trang vẫn được ưu tiên hơn cuộn vô hạn (infinite scrolling) vì Google có thể gặp khó khăn khi truy cập tất cả nội dung tải động trên các trang cuộn vô hạn.
12. Tốc độ tải trang
Hiện nay người dùng rất thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi. Theo Yoast SEO, 53% người dùng di động sẽ rời đi nếu một trang web không tải trong vòng 3 giây.
Nếu trang web của bạn tải chậm, người dùng có thể cảm thấy khó chịu và rời đi, dẫn đến tỷ lệ thoát (bounce rate) cao. Điều này gửi tín hiệu tiêu cực đến các công cụ tìm kiếm, cho thấy trang web của bạn không cung cấp trải nghiệm tốt cho người dùng, và website của bạn sẽ có ranking trên SERPs hơn.
13. Core Web Vitals (CWV)
Core Web Vitals (CWV) là một bộ ba chỉ số hiệu suất quan trọng là LCP, INP và CLS mà Google sử dụng để đo lường mức độ thân thiện với người dùng của trang web, dựa trên tốc độ tải, khả năng phản hồi và sự ổn định hình ảnh. Đặc biệt, CWV là một yếu tố xếp hạng.
Largest Contentful Paint (LCP): Đo thời gian tải của phần tử nội dung lớn nhất hiển thị trên màn hình. Ví dụ, nếu phần tử lớn nhất trên trang của bạn là một hình ảnh banner hero, LCP sẽ đo thời gian tải của hình ảnh đó. Mục tiêu là dưới 2.5 giây.
Interaction to Next Paint (INP): Đo thời gian từ khi người dùng tương tác với trang (nhấp chuột, chạm, nhấn phím) cho đến khi trình duyệt hiển thị phản hồi trực quan tiếp theo. Ví dụ, thời gian từ khi bạn nhấp vào một nút “Thêm vào giỏ hàng” cho đến khi bạn thấy biểu tượng giỏ hàng cập nhật. Mục tiêu là dưới 200ms.
Cumulative Layout Shift (CLS): Đo mức độ dịch chuyển không mong muốn của các phần tử trang trong khi tải. Ví dụ, nếu bạn đang đọc một đoạn văn và đột nhiên một quảng cáo tải lên và đẩy đoạn văn đó xuống dưới, đó là CLS. Mục tiêu là dưới 0.1.
Các mẹo tối ưu hóa tốc độ trang và CWV:
- Giảm kích thước trang web: Nén file CSS, HTML và JavaScript bằng các công cụ như Gzip.
- Tối ưu hóa hình ảnh: Nén hình ảnh (ví dụ: TinyPNG), sử dụng định dạng thân thiện với web như WebP hoặc AVIF, thay đổi kích thước hình ảnh phù hợp với mục đích sử dụng, xác định chiều rộng và chiều cao để tránh CLS.
- Sử dụng CDN (Content Delivery Network): Lưu trữ bản sao website trên các máy chủ phân tán toàn cầu, giúp phân phối nội dung nhanh hơn đến người dùng ở các vị trí địa lý khác nhau.
- Giảm script của bên thứ ba: Các script không cần thiết có thể làm chậm tốc độ tải trang.
- Tối ưu hóa CSS và JavaScript: Minify (loại bỏ ký tự không cần thiết, khoảng trắng), loại bỏ tài nguyên chặn hiển thị (render-blocking resources), giảm thời gian thực thi JS.
- Kích hoạt bộ nhớ đệm (Caching): Lưu trữ phiên bản tĩnh của trang web trên trình duyệt người dùng để tăng tốc độ tải trang cho các lần truy cập lặp lại.
- Cải thiện thời gian phản hồi máy chủ: Chọn hosting nhanh, giảm số lượng yêu cầu đến máy chủ.
- Tải không đồng bộ (Asynchronous loading): Cho phép trình duyệt xử lý HTML và script đồng thời, giảm độ trễ và tăng tốc độ tải trang.
- Ưu tiên văn bản: Có văn bản được phát hiện là phần tử LCP lớn nhất bởi vì văn bản tải nhanh hơn nhiều so với hình ảnh hoặc video.
14. HTTPS (Hypertext Transfer Protocol Secure)
HTTPS hay Hypertext Transfer Protocol Secure là một giao thức bảo mật mã hóa dữ liệu giữa trình duyệt của người dùng và máy chủ của website. Điều này bảo vệ thông tin nhạy cảm của người dùng như mật khẩu hay chi tiết thẻ tín dụng.
Ví dụ về HTTPS là một website có URL bắt đầu bằng https:// và hiển thị biểu tượng khóa trên thanh địa chỉ của trình duyệt
HTTPS là một yếu tố xếp hạng chính thức của Google và là điều bắt buộc đối với tất cả các website hiện nay. Trình duyệt Chrome sẽ đánh dấu các trang web dùng HTTP là “không an toàn”.
Để có được HTTPS, bạn cần mua và cài đặt chứng chỉ SSL (Secure Sockets Layer) cho website của mình. Nhiều dịch vụ lưu trữ web tại Việt Nam hiện nay như Vietnix hay Tenten,… có cung cấp chứng chỉ SSL miễn phí.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải thực hiện chuyển hướng 301 redirect tất cả các trang HTTP sang HTTPS để tránh các vấn đề trùng lặp nội dung và đảm bảo giá trị SEO.
Ngoài ra, bạn cũng đảm bảo không có lỗi nội dung hỗn hợp (mixed content errors), tức là trang HTTPS không tải các script hoặc tài nguyên HTTP.
Một lưu ý quan trọng là sau khi đã cài đặt chứng chỉ SSL và đã có HTTPS thì bạn cần phải Redirect tất cả phiên bản về 1 phiên bản duy nhất.
Ví dụ, thông thường 1 website sau khi có HTTPS sẽ có 4 phiên bản như sau:
- https://domain.com
- https://www.domain.com
- http://domain.com
- http://www.domain.com
Lúc này bạn cần phải chọn 1 phiên bản HTTPS làm phiên bản chính, ví dụ tôi chọn https://domain.com làm bản chính, sau đó redirect 3 phiên bản còn lại về bản chính.
15. HSTS (HTTP Strict Transport Security)
HSTS hay HTTP Strict Transport Security là một cơ chế bảo mật web nâng cao, hướng dẫn trình duyệt luôn tải các trang của bạn qua HTTPS một cách tự động, ngay cả khi người dùng gõ http://.
Tầm quan trọng của HSTS là tăng cường bảo mật và hiệu suất của website.
Bạn có thể kích hoạt HSTS bằng cách cấu hình máy chủ web của bạn để gửi một tiêu đề phản hồi Strict-Transport-Security.
Ví dụ: Để bật HSTS, bạn có thể cấu hình máy chủ gửi một HTTP header như sau: Strict-Transport-Security: max-age=2592000. Điều này sẽ yêu cầu trình duyệt của người dùng luôn tải trang web qua HTTPS trong một khoảng thời gian nhất định (ở đây là 30 ngày).
16. Kiểm tra lỗ hổng bảo mật
Bạn cần phải thường xuyên sử dụng các công cụ như SEO Analyzer của Rank Math để phát hiện rủi ro bảo mật (ví dụ: plugin/theme công khai, file/folder không được ẩn). Thường xuyên quét các lỗ hổng bảo mật và kiểm tra Google Safe Browsing tool để xem trạng thái website của bạn.
17. Structured Data / Schema Markup (Dữ liệu có cấu trúc / Schema Markup)
Schema hay Dữ liệu có cấu trúc là thông tin mà bạn thêm vào trang web để giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung của trang. Nó giống như việc “mặc quần áo” cho dữ liệu để máy móc dễ đọc hơn. Schema markup là một cách phổ biến để đánh dấu dữ liệu này.
Vì Google Bot đọc website là đọc các đoạn mã đằng sau web nên các đoạn mã Schema sẽ giúp Google hiểu nội dung của bạn và tăng khả năng xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm nâng cao (Rich Snippets) như xếp hạng sao, thông tin sự kiện, công thức nấu ăn trực tiếp trên SERP.
Mặc dù Google đã nói rằng schema markup không phải là yếu tố xếp hạng trực tiếp, nó có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ nhấp (CTR) của bạn vì các rich snippets nổi bật hơn trong SERP.
Đặc biệt quan trọng trong thời đại AI, vì Schema giúp các hệ thống AI của Google hiểu ngữ cảnh và ý nghĩa nội dung của bạn để dễ đưa ra các đề xuất trong AI Overview hơn.
Có hàng ngàn loại schema markup khác nhau tại Schema.org, nhưng bạn chỉ cần nhớ và quan tâm các loại sau: Article, Review, Product, Local Business, FAQ, How-to, Video, Recipe.
Cách triển khai schema cơ bản như sau:
- Vì Google ưu tiên định dạng JSON-LD (JavaScript Object Notation for Linked Data) để triển khai schema markup nên bạn hãy viết schema trong mã <script type=”application/ld+json”>
- Sử dụng các công cụ tạo schema như Google’s Structured Data Markup Helper, Rank Math hoặc Yoast SEO để dễ dàng triển khai mà không cần viết mã thủ công.
- Sau khi đã khai báo thì bạn hãy sử dụng Google’s Rich Results Test hoặc Schema Markup Validator để kiểm tra tính hợp lệ và đảm bảo đủ điều kiện cho rich results.
- Chỉ khai báo những nội dung hiển thị rõ ràng trên trang vào schema và đảm bảo dữ liệu chính xác, cập nhật. Nếu thông tin không có trên trang thì bạn không nên khai báo vào schema vì sẽ bị Google đánh giá là lừa dối.
- Sử dụng loại schema cụ thể nhất cho nội dung của bạn.
- Nếu có các trang trùng lặp, hãy đánh dấu schema trên tất cả các phiên bản, không chỉ bản canonical.
18. Mobile Optimization (Tối ưu hóa di động)
Với phần lớn lưu lượng truy cập web đến từ thiết bị di động, việc tối ưu hóa cho di động là điều bắt buộc chứ không phải là một lựa chọn. Hiện nay Google sử dụng mobile-first indexing, nghĩa là họ ưu tiên lập chỉ mục và xếp hạng phiên bản di động của trang web. Các website không thân thiện với thiết bị di động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thứ hạng, thậm chí là Google có thể bỏ qua, không quan tâm tới website của bạn.
Một số phương pháp chính để bạn tối ưu website thân thiện với thiết bị di động gồm:
- Sử dụng thiết kế đáp ứng (Responsive Web Design – RWD) vì đây là phương pháp được Google khuyến nghị. RWD phục vụ cùng một nội dung từ cùng một URL trên cả thiết bị di động và máy tính, nhưng bố cục sẽ thay đổi để phù hợp với kích thước màn hình. Sử dụng thẻ <meta name=”viewport” content=”width=device-width, initial-scale=1.0″> là ví dụ về mã HTML cho trình duyệt biết cách kiểm soát kích thước và tỷ lệ hiển thị trên các thiết bị di động.
- Sử dụng điều hướng đơn giản, rõ ràng
- Đảm bảo các nút và liên kết có kích thước đủ lớn và có khoảng cách giữa chúng để dễ chạm bằng ngón tay. Ví dụ: thêm padding hoặc margin giữa các phần tử.
- Đảm bảo cỡ chữ đủ lớn để người dùng có thể đọc mà không cần phóng to,
- Thời gian tải nhanh.
- Tránh các quảng cáo pop-up hoặc lớp phủ (interstitials) che khuất nội dung chính của trang.
- Nội dung và liên kết của phiên bản di động nên khớp với phiên bản máy tính để bàn. Nếu nội dung quan trọng “thiếu” trên phiên bản di động, nó có thể không được lập chỉ mục.
Sau khi đã tối ưu được các phần trên, bạn có thể kiểm tra được tính thân thiện của website của mình bằng các công cụ sau:
- Google’s Mobile-Friendly Test: Sử dụng công cụ này của Google để kiểm tra nhanh xem trang web của bạn có thân thiện với thiết bị di động hay không và nhận các gợi ý cải thiện.
- Chrome DevTools: Mở công cụ nhà phát triển của trình duyệt Chrome và sử dụng chế độ responsive để xem giao diện website trên các kích thước màn hình khác nhau.
- Báo cáo Mobile Usability trong Google Search Console: Cung cấp thông tin chi tiết về các vấn đề thân thiện với thiết bị di động trên toàn bộ website của bạn, như các phần tử quá gần nhau hoặc văn bản quá nhỏ.
- Bing’s Mobile-Friendly Test: Tương tự như Google, Bing cũng cung cấp một công cụ để kiểm tra mức độ thân thiện với di động của trang web.
19. International SEO (SEO Quốc tế)
19.1. Hreflang Tags
Hreflang Tags là một thuộc tính HTML thông báo cho công cụ tìm kiếm về các phiên bản ngôn ngữ và/hoặc khu vực khác nhau của trang web. Nó giúp Google hiển thị phiên bản phù hợp nhất cho người dùng dựa trên vị trí và ngôn ngữ ưu tiên của họ.
Ví dụ: Nếu bạn có một trang chủ bằng tiếng Anh và một phiên bản tiếng Tây Ban Nha, bạn sẽ thêm các thẻ hreflang vào cả hai trang để chỉ định ngôn ngữ và khu vực tương ứng, ví dụ: <link rel=”alternate” hreflang=”es” href=”https://yourwebsite.com/es/” /> cho phiên bản tiếng Tây Ban Nha.
Hreflang Tags rất quan trọng khi SEO Global vì nó sẽ giúp Google hiểu rằng các trang có nội dung tương tự nhưng được dịch cho các khu vực khác nhau không phải là nội dung trùng lặp.
Cách sử dụng Hreflang Tags:
- Thêm các thẻ hreflang phù hợp vào phần <head> của tất cả các phiên bản trang.
- Kiểm tra tính hợp lệ của hreflang bằng các công cụ như Aleyda Solis’ Hreflang Tags Generator Tool hoặc Merkle’s hreflang Tags Testing Tool, vì việc thiết lập hreflang có thể phức tạp và dễ mắc lỗi.
Lưu ý: hreflang cho trang di động nên trỏ đến các URL di động khác, trong khi hreflang cho trang máy tính để bàn nên trỏ đến các URL máy tính để bàn.
19.2. Cấu trúc URL địa phương
Cấu trúc URL địa phương là cách bạn cấu trúc URL để chỉ định mục tiêu địa lý hoặc quốc gia cụ thể. Ví dụ: domain.com.us, domain.com.vn, domain.com.de,…..
Có 2 cách để bạn cấu trúc URL địa phương là:
- ccTLD (country code Top-Level Domain): Ví dụ: example.ca cho Canada.
- Thư mục con theo quốc gia: Ví dụ: example.com/ca cho nội dung nhắm mục tiêu Canada.
Không khuyến nghị: Sử dụng tham số URL để chỉ định vị trí địa lý (ví dụ: example.com?loc=us) không được khuyến khích vì ít rõ ràng cho cả người dùng và công cụ tìm kiếm.
19.3. Tránh chuyển hướng tự động
Tự động chuyển hướng người dùng dựa trên vị trí địa lý hoặc ngôn ngữ của họ (ví dụ: chuyển hướng người dùng từ Mỹ đến trang tiếng Tây Ban Nha chỉ vì họ ở Tây Ban Nha) là một lỗi phổ biến. Điều này có thể ẩn nội dung khỏi cả người dùng và Google.
Thay vì chuyển hướng tự động, bạn hãy ưu tiên Google hiển thị trang chính xác cho người dùng thông qua các tín hiệu như hreflang, và cung cấp các liên kết rõ ràng (ví dụ: một menu chọn ngôn ngữ/khu vực) để người dùng tự chọn phiên bản phù hợp.
20. Thuộc tính Language
Thuộc tính language hay lang trong HTMLđược sử dụng để xác định ngôn ngữ chính của nội dung trên một phần tử HTML cụ thể (hoặc toàn bộ trang).
Thẻ Lang thường được đặt trong thẻ <html> để chỉ định ngôn ngữ của toàn bộ tài liệu, hoặc trên các phần tử HTML khác như <p>, <div>, <span> nếu có một đoạn nội dung cụ thể bằng ngôn ngữ khác.
Ví dụ:
<!DOCTYPE html> <html lang=”vi”> <head> <meta charset=”UTF-8″> <title>Tiêu đề trang web</title> </head> <body> <h1>Chào mừng đến với trang web của chúng tôi</h1> <p>Đây là một đoạn văn bản bằng tiếng Việt.</p> </body> </html>
Trong ví dụ trên, lang=”vi” cho biết toàn bộ nội dung của trang là tiếng Việt.
Bạn cần phải sử dụng mã ngôn ngữ ISO 639-1 (ví dụ: en, vi, fr, de) để khai báo cho thẻ Lang.
Vậy khai báo thẻ lang như thế nào? Ở đây ta có 2 trường hợp:
- Nếu bạn dùng WordPress thì bạn chỉ cần chỉnh sửa thẻ language trong phần setting là được.
- Nếu website của bạn là web code thuần từ backend đến frontend thì bạn phải nhờ bộ phận dev hỗ trợ nhé.
Các hoạt động Technical SEO nâng cao
Dưới đây là 1 số hoạt động Technical SEO nâng cao khác cần thêm sự hỗ trợ của những chuyên gia về kỹ thuật, về code hỗ trợ thêm được Search Engine Land và Matt Diggity gợi ý. Bạn có thể đọc qua bài viết What is technical SEO? The definitive guide của Search Engine Land và The Definitive Technical SEO Audit Guide For 2025 của Matt Diggity để đọc bản gốc nhé. Còn dưới đây tôi sẽ tổng hợp lại giúp cho bạn.
Tối ưu hóa JavaScript
Như đã nói ở trên, JavaScript (JS) là ngôn ngữ lập trình tạo ra các yếu tố tương tác và nội dung động trên website. Tuy nhiên, JS có thể gây ra vấn đề cho SEO vì các công cụ tìm kiếm không xem JS giống như người dùng.
Googlebot cần kết xuất mã JS để hiểu nội dung. Nếu JS không được tối ưu hóa đúng cách, Google có thể bỏ qua hoặc chỉ lập chỉ mục một phần nội dung, dẫn đến việc website không xuất hiện hoặc xếp hạng kém trong SERPs.
Các cách tối ưu JavaScript nâng cao được Search Engine Land gợi ý như sau:
Kiểm tra thẻ Meta Robots, đảm bảo không có thẻ noindex nào xuất hiện trước mã JavaScript trong phần <head> của trang. Nếu có, Googlebot sẽ bỏ qua việc kết xuất JS và không lập chỉ mục trang.
Tránh URL chứa dấu thăng (#) vì các URL được tạo tự động có chứa ký hiệu dấu thăng thường gây ra vấn đề cho SEO JS.
Đảm bảo nội dung và schema quan trọng tải trước khi thực thi JavaScript.
Không chặn các file CSS, JS và hình ảnh quan trọng bằng robots.txt vì Google cần truy cập các file này để kết xuất và “nhìn thấy” trang web giống như người dùng.
Chiến lược kết xuất (Rendering Strategies):
- Ưu tiên Server-Side Rendering (SSR) hoặc Static Site Generation (SSG) thay vì chỉ kết xuất động (dynamic rendering) làm chiến lược dài hạn.
- Áp dụng chiến lược kết xuất lai (hybrid rendering): kết xuất tĩnh cho SEO và động cho người dùng.
- Tạo phương án dự phòng kết xuất (rendering fallbacks) cho các loại trình thu thập dữ liệu khác nhau.
- Sử dụng tải tài nguyên động (dynamic resource loading) dựa trên việc phát hiện người dùng/bot.
- Triển khai kỹ thuật hydrat hóa một phần (partial hydration).
- Sử dụng service workers cụ thể cho trình thu thập dữ liệu.
Công cụ hỗ trợ:
- Google Search Console (GSC) – Công cụ kiểm tra URL (URL Inspection Tool): Giúp bạn xem Googlebot kết xuất trang của bạn như thế nào.
- Chrome DevTools: Sử dụng tab Performance để kiểm tra chuyên sâu và hiểu rõ các vấn đề đang xảy ra trong trình duyệt
Phân tích file log máy chủ (Log File Analysis)
File log máy chủ ghi lại mọi yêu cầu HTTP đến máy chủ website của bạn, tiết lộ hành vi của bot và giúp xác định các vấn đề thu thập dữ liệu. Việc phân tích log file cung cấp cái nhìn sâu sắc về các vấn đề khả năng thu thập dữ liệu, ngân sách thu thập dữ liệu và các trang mồ côi (orphan pages).
File log còn giúp bạn xác định trang nào đang được bot thu thập dữ liệu, tần suất và có bất kỳ vấn đề truy cập nào không, đồng thời có thể phát hiện các sự bất thường như việc một phần trang web không được thu thập dữ liệu do lỗi robots.txt hay không.
Cách ứng dụng:
Tải file log bằng cách truy cập file log Apache, NGINX, IIS hoặc tải thủ công từ cPanel (Raw Access).
- Kiểm tra tần suất thu thập dữ liệu như: Tần suất thu thập URL, xác định các trang/thư mục/file bị thu thập dữ liệu quá mức hoặc chưa đủ; Tần suất thu thập thư mục; Tần suất thu thập file (ảnh, JS, CSS); Tần suất thu thập User Agent; Xem tất cả URL đã được thu thập dữ liệu.
- Ước tính ngân sách thu thập dữ liệu (Crawl Budget), xem số lượng URL duy nhất mỗi ngày, tổng số sự kiện và sự kiện mỗi ngày để đánh giá ngân sách thu thập dữ liệu của bạn.
- Xác định vấn đề khả năng truy cập bằng cách tìm kiếm các mã phản hồi HTTP 3xx, 4xx, 5xx khi công cụ tìm kiếm cố gắng truy cập trang.
- Kết hợp dữ liệu log file với dữ liệu thu thập từ Screaming Frog để tìm các trang không có liên kết nội bộ nào trỏ đến.
- Tìm các URL hoặc file quá lớn có thể ảnh hưởng đến hiệu suất SEO.
- Theo dõi tần suất thu thập dữ liệu của các trang quan trọng so với các trang không quan trọng.
- Sử dụng phân tích log dựa trên nhật ký (log-based crawl monitoring) để xác định các mẫu cho các trang web lớn.
- Sử dụng log để xác thực xem các URL quan trọng nhất có được ưu tiên thu thập dữ liệu sau khi cải tổ sitemap và liên kết nội bộ hay không.
Công cụ hỗ trợ:
- Screaming Frog Log File Analyzer
- JetOctopus log analyzer
- Semrush Log File Analyzer
Edge SEO và thao tác cấp CDN (Edge SEO & CDN-level Manipulations)
Edge SEO là một phần của điện toán biên (edge computing), liên quan đến việc thực hiện các thay đổi kỹ thuật và kiến trúc để xử lý dữ liệu gần nguồn hoặc người dùng cuối hơn, nhằm giảm độ trễ và tăng tốc độ tải trang.
Nó sử dụng các nền tảng CDN hiện đại (ví dụ: Cloudflare Workers) để thay đổi phản hồi HTML hoặc chèn các yếu tố SEO khác mà không cần thay đổi máy chủ gốc. Điều này đặc biệt hữu ích cho các nền tảng CMS cứng nhắc hoặc môi trường doanh nghiệp có chu kỳ phát triển dài, đồng thời cho phép những người không phải lập trình viên thực hiện các thay đổi kỹ thuật phức tạp thông qua cấu hình.
Cách ứng dụng:
- Sửa đổi phản hồi HTML, sử dụng các dịch vụ như Cloudflare Workers.
- Triển khai kết xuất phía Edge (edge-side rendering) cho các ứng dụng web một trang (SPA) dựa trên JavaScript.
- Tạo logic canonical động (dynamic canonical logic) tại rìa (edge).
- Tự động chèn hreflang (automatic hreflang insertion) cho nội dung quốc tế.
- Tạo dữ liệu có cấu trúc từ phản hồi API.
Bạn có thể xem qua Video chia sẻ của Rank Math trên kênh Youtube để hiểu rõ hơn phần này:
Technical SEO Audit được hỗ trợ bởi AI và Machine Learning
Đây là việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning) để phát hiện các mẫu trong file log máy chủ, dự đoán các vấn đề kỹ thuật trước khi chúng ảnh hưởng đến thứ hạng và triển khai các hệ thống giám sát liên tục với khả năng phát hiện bất thường.
Phương pháp này giúp giải quyết quy mô và độ phức tạp của các trang web hiện đại, đòi hỏi các hệ thống giám sát thông minh và tự động, đồng thời có thể cung cấp cảnh báo sớm cho các vấn đề mà các công cụ thông thường có thể bỏ lỡ.
Cách ứng dụng:
- Triển khai Học máy để nhận dạng mẫu (pattern recognition) trong file log máy chủ.
- Sử dụng phân tích dự đoán (predictive analytics) để dự báo các vấn đề kỹ thuật trước khi chúng ảnh hưởng đến thứ hạng.
- Triển khai hệ thống giám sát liên tục với khả năng phát hiện bất thường.
- Tạo quy trình làm việc kiểm thử tự động (automated testing workflows) cho việc xác thực kỹ thuật trước khi triển khai.
- Xây dựng mạng thần kinh tùy chỉnh (custom neural networks) được đào tạo dựa trên các mẫu trang web cụ thể của bạn
Quản lý nội dung trùng lặp phức tạp
Nội dung trùng lặp là nội dung giống hệt hoặc rất giống nhau tồn tại trên nhiều URL, có thể trên chính website của bạn hoặc trên các website khác. Mặc dù Google không phạt các trang có nội dung trùng lặp, nhưng vấn đề này có thể gây ra việc các URL không mong muốn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm, làm loãng giá trị backlink và lãng phí ngân sách thu thập dữ liệu.
Google thường sẽ chọn một phiên bản chính tắc (canonical version) để lập chỉ mục và lọc bỏ các phiên bản khác. Việc quản lý vấn đề này ở cấp độ nâng cao liên quan đến các kịch bản phức tạp như các biến thể sản phẩm, điều hướng phân cấp (faceted navigation), và các phiên bản URL khác nhau (www/non-www, HTTP/HTTPS).
Tình trạng trùng lặp phức tạp này thường xảy ra ở các trang danh mục trống, các tùy chọn sắp xếp/lọc sản phẩm, phiên bản www/non-www, HTTP/HTTPS, các tham số URL không cần thiết, dấu gạch chéo cuối URL, chữ hoa trong URL,…
Cách tối ưu và khắc phục:
- Thẻ Canonical (rel=”canonical”): Sử dụng để chỉ định phiên bản “chính” của các trang có nội dung trùng lặp. Đảm bảo sử dụng URL tuyệt đối (absolute URLs), chữ thường và phiên bản HTTPS. Một trang không nên có nhiều thẻ canonical. Các trang được canonical hóa không được bị chặn bởi robots.txt hoặc thẻ noindex.
- Chuyển hướng 301 (301 Redirects): Chuyển hướng tất cả các phiên bản không ưu tiên (ví dụ: HTTP sang HTTPS, non-www sang www hoặc ngược lại)
- Thẻ Noindex: Sử dụng cho các trang không quan trọng hoặc không muốn hiển thị trong kết quả tìm kiếm công khai (ví dụ: trang “cảm ơn”, trang đăng nhập, trang quản trị). Không nên dùng thẻ noindex thay thế cho thẻ canonical khi xử lý nội dung trùng lặp mà vẫn muốn được lập chỉ mục (chỉ một phiên bản).
- File Robots.txt: Chặn việc thu thập dữ liệu các trang trùng lặp không quan trọng (ví dụ: các trang /admin/, /private/, các trang lọc) để quản lý ngân sách thu thập dữ liệu.
- Hợp nhất hoặc loại bỏ các trang phân loại mỏng (thin taxonomy pages).
- Đảm bảo định dạng URL nhất quán (dấu gạch chéo cuối, chữ thường).
Các yếu tố Technical SEO khác giúp website hiển thị trên SERP & Metadata
Open Graph (OG) và Social Metadata
Đây là các thẻ meta ảnh hưởng đến cách nội dung của bạn hiển thị khi được chia sẻ trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn
Mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến thứ hạng Google, nhưng chúng lại rất quan trọng trong việc tăng khả năng nội dung của bạn được chia sẻ và liên kết trên mạng xã hội, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thứ hạng SEO.
Open Graph giúp tạo ra một hộp thông tin có hình ảnh và mô tả khi URL được chia sẻ, cải thiện tính thẩm mỹ và thông tin cho người xem.
Favicon
Favicon là biểu tượng của trang web hiển thị trên tab trình duyệt và trong kết quả tìm kiếm di động của Google
Favicon rõ ràng và nổi bật có thể ảnh hưởng đến CTR tự nhiên của bạn, giúp trang web của bạn dễ nhận diện hơn trên SERP.
Theo Moz, bạn cần đảm bảo favicon được định nghĩa trên trang chủ của bạn bằng mã <link rel=”shortcut icon” href=”/path/to/favicon.ico”>
Current Publication and Updated Dates (Ngày xuất bản và cập nhật)
Việc hiển thị ngày trong kết quả tìm kiếm sẽ ảnh hưởng đến CTR và tín hiệu tương tác của người dùng. Google trực tiếp hiển thị các ngày này trên SERP
Nhiều chuyên gia SEO chọn hiển thị ngày sửa đổi hoặc cập nhật cuối cùng thay vì ngày xuất bản ban đầu, để cho người đọc thấy nội dung luôn mới mẻ và phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là thông tin này phải là sự thật, vì Google có khả năng nhận biết khi nào nội dung của bạn thực sự được cập nhật.
Xác định rõ tác giả và/hoặc nhà xuất bản
Yếu tố này giúp Google hiểu về uy tín và chất lượng của nội dung, đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ yếu tố E-E-A-T (Experience, Expertise, Authoritativeness, Trustworthiness). Nội dung từ các tác giả/nhà xuất bản ẩn danh hoặc có uy tín thấp thường được đánh giá “kém chất lượng” bởi Google.
Cách ứng dụng:
- Hiển thị rõ ràng tên tác giả trên trang.
- Khai báo tác giả trong Schema markup.
- Liên kết hồ sơ tác giả đến trang hồ sơ tác giả (nếu có), trang này nên có liên kết đến các hồ sơ mạng xã hội và các bài viết khác của cùng tác giả.
- Bao gồm markup “nhà xuất bản” trong Article Schema hoặc các loại schema liên quan khác.
- Đảm bảo thông tin nhà xuất bản và liên hệ rõ ràng trên trang Giới thiệu (About Us) và Liên hệ (Contact pages)
Google Discover
Google Discover là một nguồn cấp dữ liệu nội dung được cá nhân hóa theo danh mục dành cho người dùng di động.
Để tăng khả năng xuất hiện trên Google Discover, hãy tối ưu hóa với hình ảnh lớn (ít nhất 1200px chiều rộng) và bật cài đặt <meta name=”robots” content=”max-image-preview:large”>.
Ngoài ra, các trang AMP cũng có thể được phục vụ trên Discover.
Công cụ Technical SEO hỗ trợ
- Google Search Console (GSC): Miễn phí, giúp giám sát và khắc phục sự cố hiển thị website trong kết quả tìm kiếm của Google. Cung cấp báo cáo về lập chỉ mục, lỗi thu thập dữ liệu, hiệu suất, sitemaps, dữ liệu có cấu trúc và tính thân thiện với thiết bị di động.
- Google PageSpeed Insights: Phân tích tốc độ tải trang web và các chỉ số Core Web Vitals, đưa ra các khuyến nghị tối ưu hóa.
- Chrome DevTools: Công cụ gỡ lỗi tích hợp sẵn trong trình duyệt Chrome, hữu ích để kiểm tra hiệu suất trang, kết xuất JavaScript và xử lý các vấn đề kỹ thuật khác.
- Google Mobile-Friendly Test: Kiểm tra mức độ dễ dàng sử dụng trang của bạn trên thiết bị di động và xác định các vấn đề cụ thể.
- Google’s Rich Results Test / Schema Markup Validator: Kiểm tra tính đủ điều kiện của trang cho rich results và xác thực schema markup.
- Google Robots.txt Tester: Kiểm tra các chỉ thị trong file robots.txt.
- Semrush Site Audit: Công cụ kiểm tra website toàn diện, xác định hơn 140 vấn đề SEO kỹ thuật (liên kết hỏng, nội dung trùng lặp, HTTPS không đúng). Dễ sử dụng và có khả năng ưu tiên vấn đề.
- Screaming Frog SEO Spider: Công cụ thu thập dữ liệu website chạy trên máy tính, dùng để phân tích SEO kỹ thuật, tìm vấn đề liên kết, meta tags, cấu trúc site.
- Ahrefs Site Audit / Ahrefs Webmaster Tools: Kiểm tra hơn 100 vấn đề SEO, phân tích cơ hội liên kết nội bộ, và cung cấp thông tin về hoạt động thu thập dữ liệu.
- Rank Math / Yoast SEO (plugins WordPress): Tự động tạo XML sitemap, giúp quản lý canonical, noindex, schema markup và các chức năng SEO kỹ thuật khác.
- Siteliner.com: Công cụ tìm kiếm nội dung trùng lặp trên website.
- Copyscape: Công cụ phát hiện đạo văn, giúp kiểm tra tính độc đáo của nội dung.
- Moz Pro: Suite công cụ SEO tất cả trong một, cung cấp khả năng thu thập dữ liệu website và cảnh báo các vấn đề kỹ thuật quan trọng. Bao gồm tính năng Site Crawl Audit.
- MozBar: Tiện ích trình duyệt giúp kiểm tra nhanh các yếu tố SEO trên trang (title tag, canonical, liên kết).
- GTmetrix / Pingdom: Công cụ đo tốc độ tải trang.
- Octopus.do: Công cụ trực quan hóa kiến trúc website miễn phí.
- XML-Sitemaps.com: Công cụ tạo XML sitemaps cho các trang web nhỏ.
- Link Redirect Trace / httpsstatus.io: Công cụ kiểm tra mã trạng thái HTTP và chuỗi chuyển hướng.
- Lighthouse: Công cụ tự động quét các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sử dụng trên di động và tốc độ.
- Screaming Frog Log File Analyzer: Công cụ phân tích dữ liệu log file để hiểu hành vi của bot.
Kết luận
Technical SEO là nền tảng để đảm bảo website của bạn được công cụ tìm kiếm khám phá và xếp hạng hiệu quả, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Để thực hành tốt SEO kỹ thuật, bạn nên trang bị cho bản thân chuyên môn về web kỹ thuật như về code, thành thạo các kỹ thuật audit, hiểu biết chung về HTTPS/HSTS, quen thuộc với dữ liệu có cấu trúc, hiểu biết về trải nghiệm người dùng và mối quan hệ với SEO, tư duy phân tích, và phân tích dữ liệu thô,….
Nếu bạn chưa rõ về cách ứng dụng Technical SEO thế nào cho website của mình thì đừng ngần ngại liên hệ với SEO Center để được chúng tôi tư vấn chiến lược SEO tổng thể cho bạn nhé.
Bài viết trên được tôi tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin uy tín khác nhau như Ahrefs, Semrush, Moz, Backlinko, HubSpot, Google Document,…. Kết hợp với kinh nghiệm hơn 7 năm làm SEO của tôi. Nếu có điều gì sai sót hoặc cần đính chính thì hãy để lại thông tin dưới phần bình luận để cùng nhau trao đổi nhé.
Nguồn bài viết tham khảo:
- https://www.semrush.com/blog/technical-seo-checklist/
- https://diggitymarketing.com/technical-seo-audit/
- https://developers.google.com/search/docs/crawling-indexing?hl=vi
- https://developers.google.com/search/docs/fundamentals/get-started?hl=vi
- https://moz.com/beginners-guide-to-seo/technical-seo
- https://backlinko.com/technical-seo-guide
- https://ahrefs.com/blog/technical-seo/
- https://moz.com/seo-audit-checklist
- https://blog.hubspot.com/marketing/technical-seo-guide
- https://yoast.com/what-is-technical-seo/
- https://www.semrush.com/blog/technical-seo/