Quy trình SEO website là quá trình bạn liên tục thực hiện các bước gồm Nghiên cứu từ khóa, Tối ưu Onpage, Offpage, Technical, Đo lường hiệu quả và tiếp tục tối ưu với mục đích cải thiện khả năng hiển thị của trang web trên công cụ tìm kiếm (SERPs).

Sau thời gian nghiên cứu hơn 15 nguồn bài viết uy tín chia sẻ về Quy trình SEO như Backlinko, Semrush, Ahrefs, Google for Developers,…. Cùng kinh nghiệm hơn 7 năm làm SEO, hôm nay tôi sẽ chia sẻ đến bạn quy trình SEO tổng thể website với 8 bước tiêu chuẩn, đơn giản và dễ hiểu nhất; mục tiêu là giúp bạn và doanh nghiệp của bạn có thể tự lên cho mình 1 bộ quy trình SEO cho website của mình.

Bước 1: Nghiên cứu từ khóa (Keyword Research)

Nghiên cứu từ khóa là quá trình tìm những từ khóa và cụm từ khóa mà người dùng nhập vào công cụ tìm kiếm để tìm thông tin, sản phẩm hoặc dịch vụ.

Mục tiêu cơ bản nhất của SEO là xếp hạng trang web của bạn cho những từ khóa mà khách hàng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm. Nếu trang web không được xếp hạng cho các từ khóa được người dùng tìm kiếm, nỗ lực SEO sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa, đồng nghĩa doanh nghiệp cũng sẽ không tiếp cận được với khách hàng mục tiêu. Vì vậy nghiên cứu từ khóa được cho là bước nền tảng để bạn bắt đầu SEO 1 website.

Nghiên cứu từ khóa (Keyword Research)

=> Và để giúp bạn hiểu rõ hơn từng bước nghiên cứu từ khóa, các công cụ và những lưu ý khi nghiên cứu từ khóa, thì bạn hãy đọc bài viết “Nghiên cứu từ khóa”

Để thực hiện nghiên cứu từ khóa hiệu quả, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi trên website hơn, bạn cần làm theo các bước và xem xét các yếu tố sau:

1. Xác định đối tượng mục tiêu

Trước khi tìm từ khóa, bạn cần hiểu rõ khách hàng tiềm năng của bạn là ai, họ gặp vấn đề gì, họ sử dụng nền tảng nào và họ dùng những thuật ngữ gì để tìm kiếm. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp bạn nhắm đúng khách hàng mục tiêu hơn.

2. Tìm kiếm từ khóa

Bạn bắt đầu với một chủ đề chính, rộng trong lĩnh vực của bạn. Ví dụ bạn bán đàn Piano thì từ khóa chính của bạn sẽ là “đàn Piano”.

Sau đó bạn dùng các công cụ nghiên cứu từ khóa như Google Keyword Planner hoặc Semrush để tìm các tìm kiếm liên quan.

3. Đánh giá và lựa chọn từ khóa

Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm, bạn cần đánh giá tiềm năng của từng từ khóa bằng những tiêu chí sau:

  • Nhu cầu tìm kiếm (Search Demand) / Khối lượng tìm kiếm của từ khóa (Search Volume): Kiểm tra số lượt tìm kiếm hàng tháng cho từ khóa.
  • Tiềm năng lưu lượng truy cập: Kiểm tra lượng Traffic mà các trang đang xếp hạng top nhận được. Đây là chỉ số đáng tin cậy hơn khối lượng tìm kiếm vì nó thể hiện tổng lượng traffic tiềm năng mà bạn có thể nhận được nếu xếp hạng top, bởi vì một trang thường xếp hạng cho hàng trăm hoặc hàng nghìn từ khóa liên quan khác nhau.
  • Giá trị kinh doanh: Đặt câu hỏi liệu từ khóa này có mang lại giá trị cho doanh nghiệp không, ví dụ như dẫn đến chuyển đổi (bán hàng, đăng ký). Đừng chỉ tập trung vào từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao nhất mà hãy ưu tiên từ khóa có khả năng chuyển đổi cao và mang lại lưu lượng traffic liên quan với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp bạn.
  • Ý định Tìm kiếm (Search Intent): Ý định tìm kiếm là nghĩa là lý do mà khách hàng họ tìm từ khóa đó. Bạn cần xác định ý định này bằng cách phân tích các trang đang xếp hạng top cho từ khóa đó. Xem xét loại nội dung nào đang xuất hiện (ví dụ: trang thương mại điện tử, bài viết hướng dẫn, danh sách). Nội dung của bạn phải thỏa mãn đúng ý định của người tìm kiếm thì mới có khả năng xếp hạng cao. Tốt nhất là xác định ý định tìm kiếm trước khi bạn bắt đầu viết nội dung.
  • Độ khó xếp hạng (Ranking Difficulty): Đánh giá xem trang web của bạn có khả năng cạnh tranh để xếp hạng cho từ khóa đó trong tương lai gần hay không. Điều này cần phân tích. Với các website mới, ít uy tín hơn nên tránh nhắm mục tiêu vào các từ khóa có độ khó quá cao.

Bạn có thể xem chi tiết hơn về những tiêu chí trên qua video hướng dẫn đánh giá từ khóa của Ahrefs dưới đây tại phút 15 của video:

4. Phân tích trang đầu tiên của Google

Sau khi tìm và đánh giá các từ khóa, bạn hãy phân tích các kết quả hàng đầu trên Google (SERP) cho từ khóa mục tiêu. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về ý định tìm kiếm (Search Intent) và có thể tìm ra góc tiếp cận độc đáo cho nội dung của mình, đồng thời vẫn đảm bảo thỏa mãn ý định người dùng.

Đặc biệt, bạn còn có thể xác định được đâu là những đối thủ cạnh tranh với từ khóa mà bạn đang muốn xếp hạng.

Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh

Sau khi xác định từ khóa mục tiêu, bạn cần xem xét các trang đang xếp hạng hàng đầu trên Google cho từ khóa đó. Bước này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bối cảnh cạnh tranh và những gì Google đang đánh giá cao cho truy vấn cụ thể đó.

Trong video “How to Rank #1 in Google (8-Step SEO Process)” của Nathan Gotch, Founder của Rankability và Gotch SEO Academy chia sẻ rằng, để ranking cao hơn được đối thủ cạnh tranh thì website của mình phải mạnh hơn họ.

Và dưới đây là 3 yếu tố mà tôi đã nghiên cứu và chắt lọc từ video của Nathan Gotch và Ahrefs để giúp bạn đánh giá đối thủ của mình:

1. Đánh giá chất lượng và hướng triển khai nội dung của đối thủ

Bạn hãy đọc qua nội dung của các trang top, phân tích cấu trúc và bố cục nội dung của đối thủ để lấy ý tưởng xây dựng dàn ý (outline) cho nội dung của bạn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải đánh giá mức độ chuyên môn và độ tin cậy được thể hiện trong nội dung của đối thủ. Google đánh giá rất cao nội dung thể hiện các khía cạnh về Trải nghiệm, Chuyên môn, Tính xác đáng và Độ tin cậy (E-E-A-T).

Trong tài liệu hướng dẫn về “Creating helpful, reliable, people-first content”, Google cũng nhấn mạnh rằng nội dung phải thể hiện rõ ai là người tạo ra nó (“Ai”), nó được tạo ra như thế nào (“Cách thức”), và tại sao nó được tạo ra (“Lý do” – nên là để giúp đỡ mọi người).

Bạn hãy đánh giá đối thủ đã đáp ứng được những tiêu chí này chưa, đồng thời cân nhắc bổ sung những yếu tố này vào nội dung của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng cần phải xem xét hướng triển khai nội dung của đối thủ. Ví dụ đơn giản là khi search từ khóa “SEO là gì”, sẽ có các trang như GTV SEO, Career Viet, TenTen, Thế Giới Di Động lên được top cao. Tuy nhiên:

  • GTV SEO là đơn vị Agency SEO nên hướng content sẽ tập trung chia sẻ chi tiết về quy trình làm SEO
  • CareerViet & Top CV là đơn vị tuyển dụng nên hướng content sẽ tập trung chia sẻ về mô tả công việc SEO và cơ hội ứng tuyển nhân viên SEO
  • TenTen hoặc Vietnix là đơn vị bán Hosting, VPS nên hướng nội dung sẽ tập trung vào việc chia sẻ các gói hosting hỗ trợ SEO tốt nhất
  • Thế Giới Di Động là đơn vị bán điện thoại, laptop,… nên hướng nội dung của của họ chỉ là viết 1 bài tổng hợp tất tần tật để kéo traffic, làm branding.

Vậy nên, việc bạn phân tích được hướng nội dung của đối thủ và áp dụng đúng hướng nội dung với website của mình sẽ tăng cơ hội bạn lên top hơn.

2. Đánh giá khả năng cạnh tranh

Bạn cần phải xem xét về sức mạnh tên miền của các đối thủ của bạn. Đồng thời phân tích số lượng và chất lượng liên kết ngược (backlinks) mà các trang top đang có. Liên kết ngược là một yếu tố quan trọng để xếp hạng cao.

Ngoài ra, bạn cũng đánh giá mức độ bao phủ chủ đề của đối thủ (Topic Support). Nếu đối thủ có rất nhiều nội dung xoay quanh một chủ đề rộng, họ có thể có lợi thế về quyền lực theo chủ đề (topic authority).

Lúc này, để đánh bại được đối thủ mạnh, bạn có thể cần nhiều liên kết hơn hoặc có chủ đề cụ thể (micro-topic authority) mạnh hơn.

3. Phân tích các yếu tố trên trang

Một số tiêu chí trên trang mà bạn cần quan tâm nhất là:

  • Các yếu tố như tiêu đề trang (Title tag), thẻ mô tả meta (meta description), và các thẻ đề mục (H1, H2, H3),….
  • Cách họ sử dụng từ khóa trong tiêu đề (đặc biệt là ở đầu tiêu đề) và trong các thẻ Heading
  • Xem xét việc đối thủ sử dụng hình ảnh và video và cách họ tối ưu hóa chúng
  • Kiểm tra cách đối thủ sử dụng liên kết nội bộ trên website của họ

Dưới đây là video của Nathan Gotch mà bạn có thể xem thêm:

=> Để hiểu rõ hơn phân tích đối thủ cạnh tranh SEO như thế nào? Quy trình ra sao? Thì bạn hãy đọc qua bài viết Hướng dẫn phân tích đối thủ cạnh tranh SEO website được tôi chia sẻ trên website SEO Center nhé.

Bước 3: Triển khai Content SEO

Đây là giai đoạn bạn bắt tay vào việc tạo ra nội dung thực tế cho trang web của mình dựa trên những gì đã nghiên cứu và phân tích.

Bạn nên đọc bài viết “Content SEO” đã được tôi chia sẻ để biết rõ hơn cách triển khai Content SEO như thế nào thân thiện với Google và người dùng. Còn dưới đây là 1 số tiêu chí quan trọng mà bạn bắt buộc phải nhớ khi triển khai content SEO như sau:

1. Tập trung vào việc tạo nội dung hữu ích, đáng tin cậy và ưu tiên con người

“Hệ thống xếp hạng tự động của Google được thiết kế để cung cấp những thông tin hữu ích và đáng tin cậy, chủ yếu được tạo ra để mang lại lợi ích cho mọi người, chứ không phải để có được thứ hạng cao trong công cụ tìm kiếm, trong các kết quả hàng đầu trên Tìm kiếm.” Đây là nguyên văn mà Google nói trong tài liệu Creating helpful, reliable, people-first content được đăng trên Google for Developers

Vậy nên khi viết content, bạn nên tự đánh giá nội dung của mình (hoặc nhờ người khác đánh giá) dựa trên việc nó có cung cấp thông tin gốc (tự thực hiện nghiên cứu, báo cáo), đầy đủ, toàn diện, phân tích chuyên sâu và có giá trị đáng kể so với các trang khác không.

Nội dung nên khiến người đọc cảm thấy hài lòng và đã nắm được đủ thông tin để đạt mục tiêu. Tránh nội dung khiến người đọc phải tìm kiếm thêm ở nguồn khác.

Đặc biệt, tránh tạo ra lượng lớn nội dung về nhiều chủ đề chỉ với hy vọng một số sẽ xếp hạng tốt hoặc sử dụng tính năng tự động hóa trên quy mô lớn để tạo nội dung. Tránh viết về các chủ đề thịnh hành chỉ vì chúng phổ biến chứ không dành cho đối tượng hiện có của bạn.

Tốt nhất là bạn hãy đọc qua tài liệu của Google và làm theo những gì Google yêu cầu về chất lượng nội dung nhé.

2. Thể hiện E-E-A-T trong nội dung

Các hệ thống của Google tìm kiếm nội dung thể hiện các khía cạnh về Trải nghiệm, Chuyên môn, Tính xác đáng và Độ tin cậy (E-E-A-T). Trong đó độ tin cậy là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy mà nội dung cần được viết hoặc đánh giá bởi một chuyên gia hoặc người đam mê am hiểu rõ về chủ đề đó.

Đồng thời bạn cũng cần đánh giá nội dung dựa trên câu hỏi “Ai, Cách thức và Lý do”, trong đó:

  • “Ai” tạo ra nội dung: Người đọc có biết rõ tác giả là ai không?. Nên có thông tin giới thiệu về tác giả hoặc trang web xuất bản.
  • “Cách thức” tạo ra nội dung: Giải thích cách nội dung được tạo ra, đặc biệt nếu sử dụng tự động hóa hoặc AI. Ví dụ: đối với bài đánh giá sản phẩm, hãy cho biết bạn đã thử nghiệm bao nhiêu sản phẩm và kết quả như thế nào, kèm bằng chứng (như ảnh chụp).
  • “Lý do” tạo ra nội dung: Lý do nên là chủ yếu để trợ giúp mọi người. Nếu lý do chính là để thu hút Traffic qua công cụ tìm kiếm, điều đó không phù hợp với mong đợi của Google.

3. Tối ưu cơ bản các yếu tố SEO-Onpage

Nội dung nên tuân thủ cơ bản các yếu tố SEO Onpage như viết Title, Meta Description, Heading,…. Sao cho phù hợp, thân thiện cho cả Google và người dùng.

Phần này sẽ được tôi nói chi tiết hơn ở bước 4: Tối ưu hóa SEO-Onpage

4. Tìm kiếm góc tiếp cận độc đáo cho nội dung

Dựa trên phân tích đối thủ cạnh tranh (ở bước trước), bạn hãy cố gắng tìm một góc tiếp cận nội dung độc đáo và khác biệt so với những gì đang xếp hạng trên trang đầu tiên và bổ sung nó vào nội dung của bạn.

Nếu có thể, bạn hãy thực hiện phân tích hoặc tạo dữ liệu gốc duy nhất mà đối thủ không có. Điều này giúp nội dung của bạn nổi bật và có thể thu hút liên kết ngược (backlinks).

Ví dụ như một bài phân tích các cuốn sách SEO kèm bằng chứng đã đọc (ảnh chụp, ghi chú) hoặc kết quả của 1 form nghiên cứu kèm bằng chứng là chụp hình cái form và biểu đồ phân tích số liệu.

Bước 4: Tối ưu On-page SEO

Seo onpage là công việc tối ưu hóa website ngay trên chính trang Web bao gồm cả các trang con nằm trong website cho các công cụ tìm kiếm và người dùng nhằm mục đích có được xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm. Tối ưu SEO-Onpage là yếu tố then chốt quyết định người dùng có hài lòng với nội dung trên trang hay không.

Các yếu tố chính bạn cần lưu ý khi tối ưu SEO Onpage gồm:

  1. Content: Tối ưu content hữu ích với người dùng và đáp ứng được các tiêu chí E-E-A-T như tôi đã đề cập ở bước 3
  2. URL: Sử dụng URL mang tính mô tả giúp người dùng và công cụ tìm kiếm hiểu nội dung
  3. Title: Tiêu đề rõ ràng, súc tích, mô tả chính xác nội dung và có từ khóa mục tiêu trong tiêu đề
  4. Meta description: Cung cấp nội dung mô tả ngắn gọn (thường là một đến hai câu). Đoạn trích hay nên ngắn gọn, dành riêng cho từng trang và nêu bật các điểm liên quan nhất. Nên bao gồm từ khóa mục tiêu một cách tự nhiên và lời kêu gọi hành động (nếu có)
  5. Heading (H1, H2, H3…): Sử dụng các thẻ đề mục để cấu trúc nội dung, giúp người đọc dễ lướt qua và nắm bắt các phần chính. Bao gồm từ khóa mục tiêu trong thẻ H1, H2 hoặc H3 để giúp Google và người dùng hiểu nội dung
  6. Hình ảnh (Images): Thêm hình ảnh chất lượng cao ở gần văn bản liên quan, hình ảnh chứa Alt
  7. Video: Nhúng video gần văn bản liên quan, và viết tiêu đề/mô tả video mang tính mô tả
  8. Internal Links: Kết nối các trang liên quan trên website của bạn bằng các liên kết nội bộ. Có 7 loại Internal Link mà bạn có thể sử dụng trên website. Bạn hãy đọc bài viết “Internal Link là gì? 9 chiến lược Internal Link tốt cho SEO nhất 2025” để biết thêm chi tiết nhé!
  9. External Links: Liên kết đến các tài nguyên liên quan trên các trang web khác nhằm cung cấp thêm bối cảnh và thể hiện kiến thức về chủ đề. Lưu ý là chỉ liên kết đến các nguồn đáng tin cậy.
  10. Dữ liệu có cấu trúc (Structured Data hay Schema): Google sử dụng dữ liệu có cấu trúc để hiểu nội dung trên trang và có thể giúp trang của bạn đủ điều kiện xuất hiện với các tính năng đa dạng hơn trong kết quả tìm kiếm, chẳng hạn như đánh giá sao, công thức nấu ăn, thông tin sản phẩm,….

Bước 5: Tối ưu Technical SEO

Technical SEO là việc tập trung vào việc tối ưu hóa các khía cạnh kỹ thuật của website để cải thiện khả năng hiển thị và hiệu suất của trang web trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP). Mục tiêu của Technical SEO là giúp công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu (crawl) và lập chỉ mục (index) nội dung của bạn một cách hiệu quả, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng khi vào website.

Theo Cẩm nang Tối ưu hoá cho công cụ tìm kiếm (SEO), Google nói rằng hãy để Google có thể thấy trang đó theo cách mà người dùng bình thường vẫn thấy. Nghĩa là khi làm Technical SEO, bạn cũng phải đảm bảo cho Google có thể xem và tương tác với trang của bạn giống như một người dùng bình thường.

Một số công việc chính khi làm Technical SEO mà bạn cần biết như:

  • Tối ưu khả năng thu thập dữ liệu của GoogleBot (Crawlability) bằng việc quản lý các file Robot.txt và Sitemaps,….
  • Kiểm tra tình tình trạng lập chỉ mục của các page trên website
  • Quản lý nội dung trùng lặp (duplicate content) bằng cách chọn một URL chính tắc (canonical URL) để hiển thị cho người dùng
  • Cải thiện trải nghiệm trên trang (Page Experience) và Core Web Vitals
  • Tối ưu hóa cho thiết bị di động (Mobile-friendliness)
  • Sử dụng Dữ liệu có cấu trúc (Structured Data/Schema Markup)
  • …….

Bước 6: SEO Off-Page

SEO Offpage là việc cải thiện thứ hạng và uy tín website bằng các yếu tố bên ngoài, như xây dựng liên kết (hay còn gọi là Backlink), tiếp thị truyền thông xã hội hoặc quảng bá trang web,….. Mục tiêu chính là tăng thứ hạng trên Google và thu hút lượng traffic lớn đến website.

Dưới đây là 1 số đầu việc chính khi làm SEO Offpage mà bạn cần biết như:

  • Quảng bá trang web: Google Search Central Guide đề cập đến việc “Quảng bá trang web” là một cách để khuyến khích mọi người và công cụ tìm kiếm tìm thấy nội dung của bạn nhanh hơn. Các phương thức quảng bá bao gồm: Quảng bá nội dung lên trên các mạng xã hội (Social Care), Tương tác với cộng đồng,….
  • Link Building: Xây dựng backlink từ các website khác
  • Tín hiệu thương hiệu (Branded Signals): Trong bài viết “Google’s 200 Ranking Factors” từ Backlinko liệt kê 3 yếu tố liên quan đến thương hiệu ảnh hưởng đến thứ hạng gồm: Lượt tìm kiếm tên thương hiệu, Lượt tìm kiếm [Thương hiệu] + [Từ khóa], Các trang social và Lượt like/Follow,….

Bạn hãy đọc qua bài viết “SEO OFFPAGE” để hiểu rõ hơn về chủ đề này nhé

Bước 7: Đo lường, phân tích hiệu quả SEO

Sau khi đã thực hiện và tối ưu tất cả các bước trên thì việc tiếp theo của bạn sẽ là theo dõi, đo lường và phân tích hiệu quả sau khi SEO.

Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng, mọi thay đổi bạn thực hiện sẽ mất một thời gian để được phản ánh trên Google, có thể là vài giờ nhưng cũng có thể mất đến vài tháng. Nói chung, bạn nên đợi một vài tuần để đánh giá xem hành động của mình có tác động tích cực trong kết quả của Google Tìm kiếm hay không. Từ đó đưa ra phương án cải thiện và tối ưu ở bước 8.

Để làm được bước này, bạn cũng cần phải hiểu và biết cách sử dụng các công cụ miễn phí của Google như Google Search Console, Google Analytics 4 hoặc các công cụ trả phí như SemRush, Ahrefs,… để theo dõi và tối ưu hiệu suất trang web trên SERPs.

Bước 8: Cải thiện và tiếp tục tối ưu SEO website

SEO là quá trình bạn phải liên tục quản lý sự hiện diện của trang web trên Google Tìm kiếm về lâu dài. Vì vậy bạn phải kiểm tra định kỳ và liên tục cải thiện SEO các trang web trên website của bạn.

Về bản chất thì bước này bạn sẽ dựa vào kết quả đánh giá và phân tích ở bước 7 để tiếp tục tối ưu website của mình.

Ví dụ: Sau khi SEO thì bạn thấy website bị giảm ranking, mất index, giảm traffic,… Bạn đánh giá là do phần Technical làm chưa tốt nên khiến cho GoogleBot khó crawl website hơn, và nội dung cũng chưa mang đến nhiều giá trị cho người dùng khiến cho CTR và time on site thấp. Lúc này bạn đưa ra phương án xử lý là tối ưu tại Technical SEO và Audit lại content (Bước 7).

Để xử lý, bạn đã tối ưu như sau:

  • Về Technical: Bạn khai báo phần nội dung chính của bài viết vào schema để Google có thể crawl nội dung nhanh và dễ hơn. Đồng thời bạn cũng tối ưu lại CSS để cho website có thể load được nhanh hơn, giúp tối ưu UX, UI
  • Về Content: Bạn audit lại Title và Meta Description, bổ sung thêm các từ ngữ mạnh để kích thích người dùng tăng click vào web, từ đó sẽ tăng CTR. Ngoài ra, bạn cũng bổ sung thêm nhiều giá trị hơn cho bài viết, như bổ sung thêm các đoạn FAQ, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề, Internal Link hợp lý và có liên quan để điều hướng người dùng xem thêm nhiều trang khác,…. Từ đó tăng time on site.

Ngoài ra còn rất nhiều cách và rất nhiều trường hợp cần phải audit khác. Để biết thêm các trường đó là gì, và hướng audit như nào thì bạn hãy đọc bài viết “Audit website”

Kết luận

SEO là một quá trình liên tục đòi hỏi sự kết hợp giữa tối ưu hóa kỹ thuật, cấu trúc website, chất lượng nội dung và trải nghiệm người dùng trên website. Và đề chiến lược SEO của bạn đi đúng hướng với plan SEO thì việc hiểu và nắm bắt đúng quy trình SEO là điều vô cùng cần thiết.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang cần tư vấn 1 chiến lược và quy trình SEO tổng thể cho website của mình thì hãy liên hệ với SEO Center qua Email seocenter.vn@gmail.com nhé.

Nguồn bài viết tham khảo: